Giáo dục hướng nghiệp là công việc rất quan trọng của hệ thống giáo dục và đào tạo. Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là việc làm giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai ngay từ khi còn đang học tập tại trường THPT. Tư vấn nghề nghiệp trong quá trình đào tạo là giúp người học định hình năng lực thực sự của mình trên cơ sở của sở thích, sở trường, sức khỏe và năng lực của bản thân.
Có nhiều bộ môn ở trường THPT tham gia vào quá trình này trong đó có bộ môn Công nghệ. Môn Công nghệ phổ thông chuẩn bị cho học sinh học tập và làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường và xã hội; hình thành và phát triển các thành phần năng lực công nghệ: nhận thức, giao tiếp, sử dụng, đánh giá công nghệ và thiết kế kỹ thuật; chuẩn bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng để lựa chọn ngành nghề thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
Giáo dục hướng nghiệp trong môn Công nghệ được triển khai chủ yếu ở các lớp cuối cấp. Trong chương trình phổ thông mới tới đây, biểu hiện cụ thể của giáo dục hướng nghiệp với môn Công nghệ bao gồm các cấp độ: (1) Mạch nội dung về hướng nghiệp; (2) Yêu cầu cần đạt về ngành nghề thuộc các lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ; (3) Trải nghiệm ngành nghề thông qua các mô đun kỹ thuật, công nghệ tự chọn.
Giáo dục định hướng nghề nghiệp môn Công nghệ trang bị cho học sinh tri thức nền tảng và các năng lực cốt lõi phù hợp với sự lựa chọn ngành nghề thuộc một trong hai định hướng công nghiệp hoặc nông nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Chương trình môn Công nghệ giúp học sinh tìm hiểu hệ thống nghề nghiệp, hệ thống giáo dục quốc dân, thị trường lao động và phương pháp lựa chọn nghề nghiệp. Học sinh chọn học một mô đun có tính nghề về công nghiệp, nông nghiệp hoặc dịch vụ, từ đó đánh giá khả năng của bản thân đối với nghề nghiệp đó.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, với tinh thần học để chuẩn bị, học để thích ứng với lĩnh vực nghề nghiệp học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp, giáo viên giảng dạy bộ môn Công nghệ cần làm tốt một số nhiệm vụ như :
Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh về các ngành nghề liên quan đến bộ môn Công nghệ.
Hướng dẫn mỗi học sinh định hình năng lực chọn nghề thực sự của mình trên cơ sở của sở thích, sở trường, sức khỏe và năng lực của bản thân.
Hướng dẫn học sinh lập kế hoạch cho hoạt động hướng nghiệp của bản thân.
Phối hợp với Ban tư vấn hướng nghiệp của nhà trường và tham gia đánh giá hoạt động hướng nghiệp của từng học sinh.