Đổi mới để hội nhập

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đối với tất cả các quốc gia. Chính vì thê, cùng với Tin học, Ngoại ngữ chính là hành trang không thể thiếu để mỗi bạn trẻ có thể tự tin tham gia vào quá trình hội nhập đó, góp phần xây dựng nước nhà. Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Tài Chính trường Đại Học Ngân Hàng Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời cũng là diễn giả chuyên nghiệp, chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như Tài chính, Lãnh đạo, Nhân sự…, học ngoại ngữ chính là một trong những cách thiết yếu để giúp các bạn trẻ định vị bản thân trong quá trình hội nhập và hiểu được ngôn ngữ chung của toàn thế giới sẽ giúp bạn phá tan được những rào cản về văn hóa, phong tục tập quán trên thế giới.

 

Tuy nhiên, lâu nay việc học tiếng Anh ở Việt Nam vẫn bị coi là bất cập do áp lực thi cử nặng nề. Để đối phó với các kỳ kiểm tra, kì thi, thay vì dạy nghe, nói, đọc, viết thì các trường chủ yếu tập trung vào phần ngữ pháp với các quy tắc khô cứng, nặng nề. Nhận thức được bất cập trên và với tầm nhìn vươn xa, ngay từ khi nhậm chức trong năm học 2013-2014, thầy hiệu trưởng Đặng Văn Chiến đã có nhiều hành động thiết thực để mang lại sự đổi mới toàn diện về việc dạy và học Ngoại ngữ ở trường THPT Cao Bá Quát.

 

Một mặt, để giúp học sinh phát triển kĩ năng nghe, nói, nhà trường đã liên kết với trung tâm ngoại ngữ Washington để học sinh được học bổ trợ hai kĩ năng này với giáo viên nước ngoài mỗi tuần một tiết. Với các giáo viên nước ngoài được lựa chọn kĩ lưỡng cả về bằng cấp, trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và phong cách giao tiếp, học sinh không chỉ được chơi trò chơi để gây hứng thú mà còn được luyện phát âm, luyện kĩ năng nghe nói với chủ điểm liên quan đến chương trình của Bộ giáo dục và các chủ điểm giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Trong mỗi tiết học đó, với tư cách là trợ giảng, các giáo viên ngoại ngữ của trường cũng có cơ hội để học hỏi các phương pháp dạy học của giáo viên nước ngoài và cải thiện khả năng phát âm.

Mặt khác, cơ sở vật chất của nhà trường cũng được nâng cấp theo hướng hiện đại hóa. Ngoài hai phòng học ngoại ngữ được trang bị các thiết bị nghe nhìn, máy chiếu vật thật, bảng thông minh, toàn bộ các phòng học của trường đều được trang bị máy chiếu, hệ thống loa và máy tính kết nối trực tiếp với Internet. Không chỉ có cơ sở vật chất được nâng cấp, 100% các giáo viên dạy môn tiếng Anh của trường đều được cử đi tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trình độ sử dụng công nghệ ICT. Chính nhờ sự đổi mới đồng bộ nên chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh của trường đã được nâng lên rõ rệt. Không còn là học chay, phần lớn các tiết dạy đều được tích hợp với các phần mềm dạy Ngoại ngữ như Quizlet, EDpuzzle, Voice Thread…. Nhiều cô giáo còn có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm tin học khác để tạo ra những tiết học sinh động như Movie Maker để tạo clip, chỉnh sửa các video tải từ You Tube để phục vụ cho bài giảng; Story Jumper để tạo các câu chuyện sinh dộng bằng hình ảnh, âm thanh do chính cô giáo nói. Chính nhờ sự đầu tư cả thời gian và công sức cho chuyên môn mà học trò ngày càng yêu thích môn tiếng Anh hơn và khả năng nghe nói của các em cũng tiến bộ rõ rệt.

Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ tiếng Anh

 

Không chỉ đầu tư cho hoạt động chính khóa, các hoạt động ngoại khóa cũng được nhà trường chú trọng. Là câu lạc bộ đầu tiên được thành lập, và với mô hình hoạt động cực kì hiệu quả, câu lạc bộ tiếng Anh không chỉ thu hút được số lượng đông đảo các học trò mà còn là điển hình để nhân rộng các câu lạc bộ khác. Không chỉ có cơ hội trau dồi tiếng Anh trong các buổi sinh hoạt hàng tháng theo từng chủ điểm, các em còn được rèn luyện các kĩ năng mềm như kĩ năng thuyết trình, kĩ năng tranh luận, kĩ năng làm việc nhóm và tổ chức sự kiện. Chính câu lạc bộ tiếng Anh của trường là câu lạc bộ đầu tiên tổ chức thành công đêm hội Halloween, thu hút được sự tham gia đông đảo của học sinh toàn trường. Ngoài đêm hội này không thể không kể đến một  lễ hội thường niên khác được các thầy cô giáo trong nhóm tiếng Anh tổ chức là Festival tiếng Anh. Trong các lễ hội này, học sinh được tham gia đóng kịch, hát, hùng biện, thuyết trình bằng tiếng Anh, tìm hiểu về văn hóa và biểu diễn trang phục của các quốc gia trên thế giới. Các hoạt động này đã góp phần không nhỏ để tạo động cơ học tập tốt hơn nữa môn tiếng Anh cho nhiều học sinh và sự thành công về sự nghiệp của không ít các học trò trưởng thành từ nhà trường. Một hoạt động ngoại khóa khác dành cho các học sinh có kĩ năng nghe nói tốt nhất của các lớp là “Em tập làm hướng dẫn viên du lịch”. Tham gia hoạt động này, học sinh được trải nghiệm kĩ năng làm hướng dẫn viên khi các em được dẫn tour cho các giáo viên nước ngoài đến các địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, các tỉnh lân cận và các làng nghề địa phương. Qua việc chơi mà học này, học sinh được học tích hợp cả kiến thức Lịch sử, Địa lý với môn Ngoại ngữ.

Cùng học sinh trường THPT Omyia Myiazaki, Nhật bản tại buổi thực tế nghiên cứu về trồng lúa sạch tại làng Đồng Phú

Trao đổi đề tài khoa học với trường Đại học Chi Nan, Đài Loan

Bên cạnh đối nội, nhà trường cũng hết sực chú trọng đến các hoạt động đối ngoại. Giao lưu văn hóa với các nước dần dần được mở rộng từ hợp tác với Nhật Bản, Đài Loan, đến Na Uy, Nga và sắp tới là với các trường phổ thông ở Mỹ. Trong các chương trình giao lưu này, các học sinh nước ngoài sẽ đến ở tại các gia đình học sinh Việt Nam và ngược lại. Các em không chỉ có cơ hội mở rộng hiểu biết về văn hóa mà còn được tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học như cách xử lý rác thải, cách tạo nước sạch, cách làm thí nghiệm khoa học …Riêng dự án với Na Uy, học sinh làm clip để giới thiệu về trường, về cuộc sống, học tập, văn hóa … của nước mình để trao đổi với nước bạn và tham gia vào các buổi hội thảo trực tuyến về phương pháp học tập tốt môn Ngoại ngữ. Liên kết du học với các trường Đại học, Cao đẳng của nước ngoài như Mỹ, Đài Loan, nhật Bản, Hàn Quốc …cũng được nhà trường đầu tư, đem lại cơ hội trau dồi khoa học giáo dục tiên tiến cho nhiều học sinh với các học bổng 100%,70% và 50%.

 Giao lưu văn hóa tại trường THPT Omyia Myiazaki, Nhật bản

 

Giao lưu văn hóa với trường Đại học Chi Nan, Đài Loan

 

Nói tóm lại, tầm nhìn vươn xa của Ban giám hiệu và sự nỗ lực không ngừng của các thầy cô giáo dạy tiếng Anh đã và đang mang đến những đổi thay không ngừng trong hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ ở trường THPT Cao Bá Quát Gia Lâm. Những đổi thay này đã góp phần không nhở trong việc đào tạo ra những công dân toàn cầu để hội nhập quốc tế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *